Là một đầm khá lớn đẹp, đầm này được ghi lại khá tường tận trong Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới.

Đầm Trà Ổ có diện tích khoảng 13.000 ha, chu vi chừng 20 km, là nơi có mức độ đa dạng sinh học thuộc loại cao ở nước ta. Trong khối Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, TP Đà Lạt, còn lưu giữ được một số bản khắc ghi chép khá tường tận về đầm này. Đây là những thông tin có thể góp phần phục vụ hoạt động phát triển du lịch, đồng thời cung cấp cho địa phương một số sử liệu cần thiết, xin được giới thiệu với bạn đọc.

Đầm Trà Ổ. Ảnh: Nguyễn Sa Huỳnh

Đầm Trà Ổ vốn là một vịnh nước mặn, ăn thông với biển bằng một dòng chảy đưa nước ra cửa Hà Ra, từng có tàu bè qua lại và buôn bán tấp nập. Không rõ tên gọi “Trà Ổ” có từ khi nào và xuất phát từ đâu chỉ biết rằng đầm Trà Ổ cùng với đầm Thị Nại và đầm Đạm Thủy là ba đầm lớn và nổi tiếng nhất ở tỉnh Bình Định từ xa xưa.

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 22 ghi về đầm Trà Ổ như sau: “Đầm Trà Ổ: ở phía Đông Bắc huyện Phù Mỹ, chu vi 4.978 trượng linh, phía Đông giáp bãi cát ra đến biển, phía Đông Nam đến núi Lỗi Sơn, phía Bắc giáp cửa lạch Hà Ra, đến núi Thạch Cốc. Nước đầm phía Nam từ đèo Hải Lương, phía Bắc từ đèo Cựu Phủ đổ xuống, chảy ra cửa biển Hà Ra, quãng giữa nổi vọt một hòn đảo, chu vi hơn 40 tầm, cao 5 trượng, cây cối um tùm, đền miếu nguy nga cũng là một nơi linh địa. Dân hai thôn Châu Giang và Trúc Võng đ.ánh cá nộp thuế. Lại có lạch Hà Ra, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp đầm Trà Ổ, phía Nam giáp bãi cát và núi Thạch Cốc, có thủ sở ở đấy cửa lạch hẹp, bãi cát bồi lấp, mùa thu, mùa đông, mưa nhiều nước ngập 2 thôn, dân địa phương phải khai cửa lạch để tiêu nước ra biển, phía Tây là bãi cát An Ấp, phía Nam giáp Phường Mới, phía Bắc giáp lạch Hà Ra”.

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 22 ghi về đầm Trà Ổ ở Bình Định. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Như vậy, theo ghi chép của Mộc bản triều Nguyễn thì đầm Trà Ổ nằm ở vị trí tuyệt đẹp. Phía Đông đầm Trà Ổ là một trảng cát trắng phau, bằng phẳng, mịn màng nằm trải dài trên diềm xanh biếc của nước biển. Trên đó, có hai đầm nước nhỏ xinh xắn, một ở mạn Bắc có tên gọi Bình Hồ Hải Đông và đầm nhỏ kia xế về phía Nam có tên là Thủy Ki (Thủy Cơ). Ngoài khơi, đối diện với cửa Hà Ra có một hòn đảo nhỏ tục gọi là Hòn Khô. Đảo có hình dáng tựa như một con rùa biển khổng lồ đang dập dờn bơi lặn trên sóng nên còn được mệnh danh là Hòn Quy.

Dưới triều Nguyễn, đầm Trà Ổ được các vua cho đặt trạm để thu thuế lệ nguồn đầm hằng năm. Tùy từng đời vua mà t.iền thuế nộp cũng khác nhau. Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Mạng thứ 10 (1829), vua cho định t.iền thuế ở đầm Trà Ổ như sau: “Năm thứ 10, chuẩn y lời bàn cho t.iền thuế ở những nơi trong cửa sông, đáy biển, đầm cạn thuộc hạt ấy là 1.510 quan: đầm Ngư Kỵ, Hải Đông 130 quan… đầm Đề Di Hải Đông t.iền 389 quan, đầm Nội Giang Đạm Thủy t.iền 163 quan, đầm Thúy Ky Hải Đông t.iền 1.200 quan 5 t.iền 50 đồng, đầm Bình Hồ Hải Đông t.iền 800 quan, 2 sở Bào Liên (Bào Sen) thượng hạ t.iền 3 quan 1 t.iền, đầm Nội Giang, Trà Ổ t.iền 125 quan, đầm Lương Phú, Vịnh Sán t.iền 113 quan…”. Như vậy có thể thấy tự xa xưa đầm không chỉ là một danh thắng mà còn là một nguồn lợi kinh tế tự nhiên khá lớn.

Trải qua thời gian, dòng chảy của đầm Trà Ổ đã bị bồi lấp, dấu vết còn lại trên mặt đất là một con lạch nhỏ chỉ có nước vào mùa mưa lũ. Đầm Trà Ổ giờ đây đã không còn chung nhịp thở thủy triều với biển nhưng vẫn nhận đều nước nguồn từ núi qua vô số những con suối lớn nhỏ. Nước trong hồ vì thế luôn đầy và cùng với nhiều địa danh nổi tiếng khác ở Bình Định, đầm Trà Ổ đã góp phần làm nên vẻ đẹp duyên dáng và nên thơ của Bình Định.